Mặt trái công nghiệp FDI: Xuất khẩu 400 tỷ USD nhưng Việt Nam chỉ giữ lại 17 tỷ

Dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 400 tỷ USD, nhưng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, phần giá trị thực sự thuộc về nền công nghiệp trong nước chỉ khoảng 17 tỷ USD, cho thấy gia tăng nội địa còn quá thấp.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Ảnh minh hoạ.

TS. Lê Xuân Nghĩa là chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ông Nghĩa gọi nền công nghiệp FDI này là “nền công nghiệp hộ công” , nơi Việt Nam chủ yếu gia công giá rẻ, giá trị gia tăng thấp, và lợi nhuận thực sự nằm ở các tập đoàn nước ngoài.

Theo ông Nghĩa, trong 400 tỷ USD xuất khẩu, 300 tỷ USD là của doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp 100 tỷ USD, trong đó 50 tỷ USD từ nông nghiệp với giá trị gia tăng nội địa 90%. Phần 50 tỷ USD từ công nghiệp Việt Nam chỉ có hàm lượng Việt Nam khoảng 35%, tức là chỉ khoảng 17 tỷ USD giá trị thực sự. Hàm lượng Việt trong xuất khẩu FDI thậm chí chỉ là 1,7%. Ông nhấn mạnh, đây là những con số “rất thảm hại”.

Việc quá ưu tiên FDI đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích thuê ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiếu nền tảng công nghệ và doanh nghiệp nội địa dẫn dắt. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế này, gọi đây là “xuất khẩu lao động tại chỗ và ô nhiễm môi trường”.

TS. Nghĩa gợi ý Việt Nam nên chuyển hướng đầu tư, dồn lực tài chính cho nông nghiệpdịch vụ – du lịch, hai khu vực có giá trị gia tăng nội địa cao nhất. Nông nghiệp hiện đóng góp 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó 45 tỷ USD là giá trị Việt thực thụ. Du lịch đóng góp tới 40% GDP nhưng còn nhiều rào cản như thủ tục nhập cảnh phức tạp. Ông cũng nhấn mạnh Biển Đông là tài sản chiến lược, cần được khai thác để tạo giá trị mới cho Việt Nam

“Tôi nhớ có một tỷ phú Hồng Kông từng nói với mình: Việt Nam của ông chả có gì ngoài mặt tiền Biển Đông. Nếu các ông không biết bảo vệ, không biết khai thác, thì nghèo suốt đời”, ông Nghĩa kể lại, và kiến nghị cần xem Biển Đông là nguồn tài sản chiến lược, là nơi hội tụ du lịch, logistics, cảng biển, dịch vụ hậu cần… để tạo nên giá trị mới thực sự của Việt Nam.

Tóm lược từ https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-le-xuan-nghia-chi-ra-mat-trai-cong-nghiep-fdi-xuat-khau-400-ty-usd-nhung-viet-nam-chi-giu-lai-17-ty-294705.html

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *