Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa sau hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương

Thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12-6-2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1-7, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sẽ được hợp nhất thành thành phố Hải Phòng mới. Như vậy, sau 138 năm chia tách kể từ ngày 11-9-1887, tỉnh Hải Phòng (trước kia) được thành lập trên một phần đất của tỉnh Hải Dương, việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố Hải Phòng mới, về mặt lịch sử, chính là sự trở lại cội nguồn, cùng chung gốc xứ Đông xưa của người Hải Phòng và người Hải Dương nhưng với một vị thế mới của một thành phố lớn thứ ba cả nước – thành phố Cảng, công nghiệp, văn minh, hiện đại, đang tràn đầy khát vọng phát triển trở thành thành phố tiêu biểu ở Đông Nam Á và thế giới.

Diễn viên Nhà hát Sân khấu truyền thống Hải Phòng trong vở diễn “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Ảnh: ĐỖ HIỀN

Do cùng chung nguồn cội nên nền văn hóa của người Hải Phòng và người Hải Dương luôn có mối liên kết chặt chẽ, thể hiện ở những điểm sau: 

Thứ nhất, cùng chung cội nguồn là nền văn hóa Việt Nam. Hải Phòng và Hải Dương đều là địa bàn tụ cư, sinh sống của người nguyên thủy thời tiền sử từ thời đá cũ đến sơ kỳ đồ đồng; của người Việt từ thời kỳ các Vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay. Vùng đất và con người nơi đây đã góp phần quan trọng tạo dựng nên nền văn minh sông Hồng của người Việt.

Thứ hai, cùng chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam giàu lòng yêu nước, thương nòi, đoàn kết, có tinh thần cố kết cộng đồng trong đánh giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; dân chủ, nhân văn, uống nước nhớ nguồn trong phong cách và lối sống, phong tục, tập quán. 

Thứ ba, cùng chung tay xây dựng nên truyền thống hiếu học, vùng đất văn hiến của quốc gia với 486 vị đậu tiến sĩ của Hải Dương và 103 vị đậu tiến sĩ của Hải Phòng thời phong kiến – dẫn đầu cả nước, với 15 trạng nguyên làm rạng danh vùng đất địa linh, nhân kiệt; với các danh nhân văn hóa lớn như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 1 trong 10 vị tướng lừng danh của lịch sử thế giới; Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, Chu Văn An, người thầy của muôn đời, danh nhân văn hóa thế giới; Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà hiền triết, nhà thơ, bậc sư biểu, đỉnh cao trí tuệ Việt Nam thế kỷ thứ 16… 

Thứ tư, trong tiến trình lịch sử, nhất là từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay, trên nền tảng nền văn hóa Việt Nam đã luôn mở cửa, giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu nền văn hóa Việt, làm nên bản sắc văn hóa của cư dân miền biển – đi đầu trung dũng – quyết thắng trong chiến đấu; năng động, sáng tạo trong dựng xây; phóng khoáng, hào sảng, trọng nghĩa trong giao tiếp, tràn đầy khát vọng chinh phục biển khơi. 

Thứ năm, cả hai địa phương cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy kho tàng di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đồ sộ, đa dạng và phong phú với hàng ngàn di tích lịch sử, hàng trăm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa đặc sắc; các làng nghề truyền thống; các di cảo của Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm… 

Như vậy, trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Hải Phòng và Hải Dương chính là nơi hội tụ và tỏa sáng của văn hóa Việt Nam, nơi giao thoa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. 

Với những đặc điểm và tính chất nêu trên, hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương không chỉ là việc làm phù hợp với thực tiễn lịch sử, hợp lòng dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra không gian văn hóa rộng lớn và đa sắc của một Hải Phòng mới. Văn hóa Hải Phòng với vị trí là nền tảng tinh thần xã hội, là nguồn lực nội sinh để xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước không chỉ được rộng mở về không gian địa lý, mà còn hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa Việt Nam; bề dày và chiều sâu văn hóa của vùng đất ngàn năm văn hiến của xứ Đông xưa; của truyền thống lao động sản xuất cần cù, năng động, sáng tạo; đi đầu trong khát vọng vươn ra biển lớn, mở cửa, giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của người Hải Phòng hôm nay. Trên cơ sở bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa này, Hải Phòng hôm nay phấn đấu đi đầu trong xây dựng thành phố trở thành thành phố Cảng, công nghiệp hiện đại; thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu; thành phố “học tập”, thành phố “thân thiện”, thành phố văn minh, hiện đại tầm cỡ Đông Nam Á và thế giới. 

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển này, một trong những vấn đề quan trọng sau khi hợp nhất hai tỉnh, thành phố là phải nhận diện đầy đủ, sâu sắc bản sắc và hệ giá trị văn hóa của thành phố Hải Phòng mới; trên cơ sở đó có chiến lược bảo tồn, phát huy đúng nghĩa văn hóa là nguồn lực nội sinh để dựng xây, bảo vệ đất nước, thành phố phát triển nhanh, bền vững. 

PHẠM XUÂN THANH Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hải Phòng, nguồn: https://baohaiphong.vn/vi/van-hoa/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-sau-hop-nhat-thanh-pho-hai-phong-va-tinh-hai-duong-2025525095423.htm

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *