Tác giả: baohaiphongplus

  • Tổ chức lễ động thổ dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025

    Tổ chức lễ động thổ dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025

    Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn hơn 203.000 tỷ đồng, theo baohaiphongplus, đăng ngày 07/7/2025.

    Đọc thêm: Hậu sáp nhập Hải Phòng Hải Dương: Cơ hội việc làm ra sao?

    Đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng chạy trên hành lang kinh tế lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau tuyến cao tốc Bắc-Nam
    Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng chạy trên hành lang kinh tế lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau tuyến cao tốc Bắc – Nam

    Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 342/TB-VPCP ngày 2/7/2025, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

    Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án trong thời gian qua. Đặc biệt, Phó Thủ tướng hoan nghênh các địa phương đã chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng trước một bước.

    Nhấn mạnh đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xác định rõ trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.

    Trước mắt, cần tập trung hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư; lựa chọn một số hạng mục quan trọng như nhà ga, khu tái định cư để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi động trong năm 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết 127/NQ-CP của Chính phủ.

    Tập trung tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ khởi công cuối năm 2025

    Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đàm phán hiệp định vay vốn; phối hợp với địa phương thống nhất quy mô, hướng tuyến làm cơ sở giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xử lý khó khăn trong quy hoạch và công tác tái định cư.

    Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn các địa phương chủ động ứng vốn, hỗ trợ tạm ứng vốn hoặc đề xuất phương án điều tiết ngân sách hợp lý đối với những địa phương gặp khó khăn; đồng thời phối hợp Bộ Xây dựng thống nhất kế hoạch vốn ngân sách trung ương, bảo đảm phân bổ kịp thời, đúng đối tượng.

    Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa theo đúng quy định, phù hợp với cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.

    Các địa phương có dự án đi qua khẩn trương kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường, tái định cư và phê duyệt theo thẩm quyền; chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc sớm báo cáo nhu cầu vốn với Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng.

    Đồng thời, các địa phương cần lựa chọn những khu tái định cư, nhà ga có khả năng khởi công đúng tiến độ, gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Dự án trọng điểm quốc gia, tổng vốn hơn 203 nghìn tỷ đồng

    Theo Nghị quyết 187/2025/QH15 của Quốc hội, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 419 km, điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới tại Lào Cai, điểm cuối tại ga Lạch Huyện, TP Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD), với kế hoạch khởi công vào tháng 12/2025 và hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

    Dự án nhằm xây dựng một tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; tăng cường kết nối mạng lưới đường sắt trong nước và khu vực; gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng-an ninh.

    Việc triển khai hiệu quả tuyến đường sắt này sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu lớn mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết đã đề ra, tạo bước đột phá trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/to-chuc-le-dong-tho-du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-trong-nam-2025-415777.html

  • Hậu sáp nhập Hải Phòng Hải Dương: Cơ hội việc làm ra sao?

    Hậu sáp nhập Hải Phòng Hải Dương: Cơ hội việc làm ra sao?

    Quy mô kinh tế Hải Phòng mới có nhiều tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của cả nước. Do đó, việc sáp nhập Hải Phòng Hải Dương tạo ra dư địa mở với nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, theo baohaiduongplus, đăng ngày 07/7/2025.

    Trước hợp nhất, các doanh nghiệp tại TP Hải Phòng có nhu cầu tuyển dụng trên 101.000 lao động, trong đó có khoảng 90% là lao động không yêu cầu trình độ

    Việc làm Hải Phòng: Nhu cầu tuyển dụng lớn

    Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công Hải Phòng, từ đầu năm đến ngày 15/6, có 430 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia các sàn giao dịch việc làm do trung tâm này tổ chức, với nhu cầu tuyển dụng hơn 101.000 lao động, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, số lượng lao động không yêu cầu trình độ khoảng 90.000 người. Một số ngành, nghề đang cần số lượng lao động lớn như: may mặc, cơ khí, chế tạo, điện, điện tử, logistics… Điều này cho thấy, thị trường tuyển dụng lao động tại Hải Phòng khá sôi động, không chỉ về số lượng tuyển dụng tăng cao, mà vị trí việc làm cũng đa dạng.

    Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Tư vấn, Giới thiệu việc làm và Đào tạo nghề (Trung tâm Dịch vụ việc làm và Điều dưỡng người có công Hải Phòng), trung tâm chủ động gửi thư ngỏ, liên kết, tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến, phát live trực tiếp các phiên phỏng vấn giữa doanh nghiệp và người lao động. Qua đó, giới thiệu việc làm đối với gần 60.000 lao động, chiếm khoảng 60% nhu cầu tuyển dụng.

    Số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Hải Phòng ngày càng tăng cao, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ không đủ để đáp ứng, việc hợp nhất với Hải Dương sẽ mở ra cơ hội việc làm cho người lao động, mức lương, thu nhập tốt hơn. Qua đó cũng hạn chế được việc “chảy máu” nguồn lao động sang các tỉnh, thành phố khác.

    Khu vực phía Tây Hải Phòng có nguồn lao động dồi dào và được đào tạo bài bản
    Khu vực phía Tây Hải Phòng có nguồn lao động dồi dào và được đào tạo bài bản

    Khu vực phía Tây Hải Phòng có nguồn lao động dồi dào với gần 1 triệu người. Những năm qua, khu vực này đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Việc hợp nhất đã tạo điều kiện, cơ hội lớn để lao động sinh sống ở khu vực phía Tây Hải Phòng tiếp cận thị trường lao động đầy tiềm năng ở phía Đông với nhiều tập đoàn lớn đầu tư như: LG, Pegatron, USI, Bridgestone, Vinfast… Hiện nay, có không ít doanh nghiệp đang điều chỉnh chiến lược tuyển dụng, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hải Phòng mới để chủ động thích nghi với thị trường lao động hợp nhất.

    Với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, khoảng cách địa lý giữa các cực phát triển công nghiệp – dịch vụ ở phía Tây và phía Đông Hải Phòng đã được rút ngắn đáng kể. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi nguồn lao động giữa 2 địa phương.

    Mặt khác, khi nhu cầu tuyển dụng tăng cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những chính sách tốt để thu hút và giữ chân người lao động. Sự chạy đua về chế độ đãi ngộ giữa các doanh nghiệp sẽ giúp người lao động tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, bảo đảm công tác an sinh xã hội địa phương.

    Anh Nguyễn Minh Phương (26 tuổi), ở xã Vĩnh Lại hiện đang làm tại Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh VinFast (khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải). Do ở xa nên anh và 40 đồng nghiệp ở khu vực phía Tây Hải Phòng được công ty hỗ trợ xe đưa đón hằng ngày. Anh Phương cho biết, VinFast có môi trường làm việc tốt, chế độ phúc lợi cao nên có nhiều công nhân ở khu vực Tây Hải Phòng đến làm việc. Mỗi ca làm việc sẽ kéo dài từ 8 – 12 tiếng. Do Hải Phòng là vùng 1 nên mức lương của công ty khá cao, dao động từ 11 – 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công nhân còn được nhận các chế độ phụ cấp, thưởng dịp lễ, Tết…

    Kịp thời thích nghi

    Việc hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động, đòi hỏi người lao động phải chủ động thích nghi. Ông Nguyễn Tuyên Huấn, Giám đốc Công ty CP Cung ứng vào Đào tạo nhân lực Việt Nam đánh giá, Hải Dương và Hải Phòng cũ đều có nguồn lao động dồi dào nhưng số lượng lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chung vẫn chưa đồng bộ, khiến việc kết nối cung – cầu bị lệch nhịp. Việc hình thành các trung tâm công nghiệp liên vùng sau khi sáp nhập đòi hỏi đội ngũ quản trị nhân sự phải chuyên nghiệp, có khả năng làm việc đa đạng. Tuy nhiên từ trước đến nay, đây vẫn luôn là điểm yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp vừa, nhỏ cần có chiến lược ưu đãi phù hợp để bảo đảm lợi thế trong cạnh tranh tuyển dụng.

    Hiện nguồn lao động của TP Hải Phòng mới đang bước qua thời điểm vàng. Nếu không có giải pháp kịp thời thì quá trình già hoá dân số sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lao động trong tương lai. Trước mắt, trong khi chính quyền mới ổn định bộ máy thì người lao động phải chủ động nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn lớn. Những lao động không kịp thích nghi, thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ hay chậm cập nhật công nghệ dễ bị đào thải hoặc rơi vào tình trạng làm việc dưới chuẩn.

    Hiện nay, quá trình sáp nhập tỉnh dẫn đến việc tái cơ cấu các cơ quan hành chính, giảm số lượng đơn vị trung gian và tinh giản biên chế. Điều này đồng nghĩa với việc có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người lao động từ khu vực công chuyển sang tìm việc ở khu vực tư.

    Ông Phạm Trung Phong, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Cộng Hoà (phường Trần Hưng Đạo) cho rằng, những lao động bước ra khỏi khu vực công là nguồn lao động đầy tiềm năng của khu vực tinh tế tư nhân. Bởi họ được đào tạo bài bản, thạo việc và nắm rất chắc các chính sách pháp luật liên quan. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lao động này không hề dễ dàng nếu doanh nghiệp không có những chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp.

    Việc hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng mở ra cơ hội lớn để hình thành một thị trường lao động quy mô, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp – dịch vụ. Tuy nhiên, cùng với đó là thách thức về cạnh tranh việc làm, chất lượng nguồn nhân lực và sự dịch chuyển lao động nội vùng. Để tận dụng tốt cơ hội, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong hoạch định và quản lý nguồn lao động hiệu quả, với chiến lược mang tính lâu dài, bền vững hơn.

    Đọc thêm: Hậu sáp nhập Bắc Ninh – Bắc Giang: Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng

    Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/co-hoi-viec-lam-sau-khi-hop-nhat-hai-duong-va-hai-phong-ra-sao-415774.html

  • Thông xe toàn tuyến cầu Đồng Việt kết nối tỉnh Bắc Ninh với TP Hải Phòng

    Thông xe toàn tuyến cầu Đồng Việt kết nối tỉnh Bắc Ninh với TP Hải Phòng

    Công trình cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu thuộc địa bàn phường Cảnh Thụy và xã Đồng Việt, tỉnh Bắc Ninh (tỉnh Bắc Giang cũ) kết nối với TP. Hải Phòng (tỉnh Hải Dương cũ) đã hoàn thành và thông xe toàn tuyến, theo haiphongplus, đăng ngày 05/7/2025.

    Công trình cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu phía Bắc Ninh vừa hoàn thành và thông xe toàn tuyến (ảnh bạn đọc cung cấp)
    Công trình cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu phía Bắc Ninh vừa hoàn thành và thông xe toàn tuyến (ảnh bạn đọc cung cấp)

    Cầu Đồng Việt được xây dựng vượt sông Thương với chiều dài hơn 811 m, mặt cầu rộng 23,5 m. Đây là một trong những cây cầu dây văng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến thời điểm hiện tại. Đường dẫn lên cầu phía tỉnh Bắc Ninh xây dựng theo quy mô đường cấp II đồng bằng dài gần 7 km, nền đường rộng 22 m, mặt đường 21,5 m.

    Dự án phía Bắc Ninh (gồm cầu và đường dẫn lên cầu phía Bắc Ninh) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cũ làm chủ đầu tư.

    Liên danh Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam thi công. Dự án khởi công tháng 6/2022, vừa hoàn thành.

    Cầu Đồng Việt vượt sông Thương là một trong những cây cầu dây văng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến thời điểm hiện tại

    Về phía Hải Phòng (tỉnh Hải Dương cũ) triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 có tổng mức đầu tư hơn 469,8 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cũ làm chủ đầu tư.

    Tuyến đường dẫn dài gần 5,3km, qua địa bàn các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa (TP Chí Linh cũ) nay là phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Phòng). Đường dẫn được thiết kế quy mô đường cấp II đồng bằng, nền đường rộng 22,5 m, vận tốc 80 km/giờ.

    Liên danh các Công ty CP: Vật liệu xây dựng Côn Sơn, Xây dựng và Thương mại Việt Hoa, Xây dựng và Thiết bị Thủ đô, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vũ Bách là nhà thầu thi công. Dự án khởi công từ năm 2022, hoàn thành quý I/2025.

    Việc đưa công trình cầu Đồng Việt và toàn bộ đường dẫn lên cầu vào khai thác tạo thuận lợi cho người dân, mở ra cơ hội lớn về giao thương, du lịch và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và TP Hải Phòng. Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển giao thông và kết nối liên vùng của các địa phương.

    Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/thong-xe-toan-tuyen-cau-dong-viet-ket-noi-tinh-bac-ninh-voi-tp-hai-phong-415683.html